SR Fashion Business Talk Ep.16: Fabric Sourcing in Fashion Industry – Tầm quan trọng của cung ứng chất liệu trong việc kinh doanh
SR Business Talk quay trở lại với chuyên đề thứ 16: “Fabric Sourcing in Fashion Industry” – Tầm quan trọng của cung ứng chất liệu trong việc kinh doanh.
SR Fashion Business Talk là tọa đàm được tổ chức bởi Style-Republik và SR Fashion Business School – Ngôi trường dạy kinh doanh thời trang đầu tiên tại Việt Nam, dành cho những đối tượng quan tâm đến các chủ đề thiết thực của việc kinh doanh thời trang tại Việt Nam.
SR Fashion Business Talk Ep.16 được diễn ra tại không gian hiện đại của C Space (Design Complex – quận 7), với sự tham gia của hai vị khách mời uy tín, với thâm niên trong ngành cung ứng chất liệu, kinh doanh xuất khẩu, và hiểu rõ về thị trường chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tọa đàm được dẫn dắt bởi Fellini Rose – giảng viên tại SR Fashion Business, Contributor Writer của Style-Republik kể từ năm 2019.
Host Fellini Rose
Khách mời của SR Business Talk Ep 16 – “Fabric Sourcing in Fashion Industry” là chị Đào Quế Lâm – Nhà sáng lập và CEO của Davonne Textile – đơn vị cung ứng chất liệu và giải pháp may mặc dành cho các doanh nghiệp kinh doanh thời trang tại nội địa. Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cung ứng, chị Lâm tự hào rằng Davonne Textile là đơn vị cung ứng chất liệu thời trang tạo xu hướng đầu tiên tại Việt Nam, với các sản phẩm chất liệu cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, và giám định gắt gao của các đơn vị đánh giá, đo lường chất lượng trong và ngoài nước. Davonne Textile đã và đang là đơn vị cung ứng chất liệu cho các thương hiệu lớn trong và ngoài nước, như Canifa, Tommy Hilfiger và Burberry.
Trong vai trò là người có thâm niên làm việc với các chuỗi cung ứng trong vào ngoài nước, chị Phan Nguyễn Thùy Trang – Phó phòng kế hoạch – xuất nhập khẩu tại công ty cổ phần May Bình Minh, đem đến những quan điểm, góc nhìn đa chiều trong việc lựa chọn chất liệu vải thế nào để tạo ra được những sản phẩm may mặc đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu. Bình Minh được tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị cổ phần sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả cao trong toàn ngành Dệt May trong nước, vinh dự nhiều năm liền là tập đoàn tiêu biểu của tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Dưới đây là phần tóm tắt của buổi tọa đàm giàu cảm hứng về chuỗi cung ứng chất liệu thời trang tại thị trường Việt Nam.
Content
ToggleNgành sáng tạo và cung ứng: Mối quan hệ song phương hay có cầu mới có cung?
Đó là mối quan hệ cộng hưởng, song phương, đa chiều. Các đơn vị sản xuất thời trang cần phải nắm bắt được nhu cầu là vải, chất liệu nào đang là xu hướng của dòng kinh tế. Phải là kinh tế, vì sản phẩm được tạo ra cần phải phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết thực của khách hàng, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế, nhất là kinh tế tuần hoàn. Đó là góc nhìn của khách mời Thùy Trang.
Ngành thời trang Việt Nam đang gặp một thách thức lớn, đó là thị trường nội địa không thể tạo ra được xu hướng. Xu hướng thời trang thực chất lại là những chất liệu được cung ứng hiện có trên thị trường. Sự sáng tạo trong ngành thời trang Việt còn gặp nhiều hạn chế, chính bởi sự hạn chế của nguồn cung ứng. Điều này trái ngược với xu hướng diễn ra trên thế giới. Tại Việt Nam, để có thể trở thành một nhà sáng tạo có khả năng tạo ra xu hướng, hay trở nên tiệm cận hơn với xu hướng hiện hành, thì cần đến sự hợp tác với cà nhà cung ứng có khả năng phân tích và cập nhật xu hướng. Đó chính là mô hình và mục tiêu mà Davonne hướng tới.
“Chẳng nói quá lời khi chợ Ninh Hiệp đang là cái nôi của xu hướng thời trang tại Việt Nam, khi đây là chợ vải lớn nhất cả nước, là đầu mối cung ứng vải tới khắp mọi khu chợ lớn nhỏ ở Việt Nam. Truyền thống là như vậy, nhưng nó không khiến cho ngành thời trang tại Việt Nam phát triển và sánh vai được với thị trường quốc tế”
— Chia sẻ của chị Quế Lâm — CEO Davonne Textile
Mô hình cung ứng chợ vải truyền thống sẽ khó lòng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho việc sản xuất thời trang
Mô hình cung ứng vải phổ biến nhất, đại chúng nhất chính là chợ truyền thống. Đây dường như là mô hình cung ứng vải phù hợp với phần đông. Tuy nhiên, mô hình cung ứng này cũng sẽ chỉ phù hợp với những loại sản phẩm giá rẻ, không đặt nặng tính thời trang như đồng phục, thường phục.
Nhưng nếu làm kinh doanh thời trang thì buộc các doanh nghiệp phải tìm đến các mô hình cung ứng chính thống. Chính thống là vì các doanh nghiệp này có quy trình chặt chẽ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được quy trình kiểm định của Oeko-Tex hay QUATEST 3 (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3).
Chị Quế Lâm – CEO của Davonne Textile.
Mô hình cung ứng chính thống không chỉ cung cấp những chất liệu may mặc đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng (đã được kiểm chứng), mà còn nâng tầm sáng tạo, và giúp cảm hứng thiết kế được thăng hoa. Nếu sản phẩm đầu cuối của cung ứng là vải, thì sản phẩm đầu cuối của thiết kế sản xuất là trang phục. Sự cộng hưởng và đảm bảo ngay từ khâu bán thành phẩm, cho đến khi đáp ứng nhu cầu ăn diện của khách hàng – nhất là khi họ sính chuộng xu hướng thời trang, là điều sẽ khiến tạo ra giá trị khác biệt cho doanh nghiệp.
“Ngành thời trang đang đi vào lối mòn, dễ thấy khi các nhà thiết kế trẻ hiện nay vẫn mặc định tư duy là cần phải lựa chọn chất liệu và sáng tạo nên những trang phục lộng lẫy dưới ánh đèn, lúc chụp hình hay bắt mắt giữa chốn đông người. Nhưng đã có bao giờ họ nhận định rằng thời trang không phải là thứ chỉ để mang mặc trên người một-lần-rồi-thôi? Và cảm giác của người mặc trong chất liệu đó có thoải mái và an toàn hay không? — Chia sẻ của chị Thùy Trang – Phó phòng kế hoạch – xuất nhập khẩu của May Bình Minh
Các thương hiệu thời trang, nhất là các nhà thiết kế trẻ, cần phải có vốn am hiểu và nghiên cứu về các loại chất liệu vải để có thể đảm bảo được tính ứng dụng lẫn chất lượng của sản phẩm thiết kế sau cùng, để góp phần xây dựng giá trị thương hiệu về lâu dài.
Các tiêu chí để lựa chọn chất liệu may mặc
Mỗi loại vải có một tiêu chí đánh giá khác nhau. Theo góc nhìn của một nhà cung ứng chất liệu chuyên nghiệp như Davonne, họ cần phải đánh giá ngay từ khâu đầu tiên là nguyên liệu sợi tạo nên chất liệu vải may mặc. Tiếp nối là các quy trình xử lý sợi và dệt vải. Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, thì tiêu chí hàng đầu hiển nhiên phải là chất lượng, bởi người tiêu dùng thời trang ngày càng có nhiều yêu cầu hơn về chất lượng sản phẩm.
Giá thành cũng là tiêu chí quan trọng. Bởi giá thành sẽ phần nào phản chiếu được chất lượng của sản phẩm. Không thể nào một loại vải rẻ lại đạt tương ứng với tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo. Hiểu về tính chất của vải sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được chất lượng.
Bên cạnh đó, năng lượng cung ứng (số lượng, thời gian…) cũng là những yếu tố cần phải quan tâm khi đánh giá nguồn cung. Bởi sự chậm trễ của chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực sản xuất và kế hoạch phát triển của thương hiệu. Nhưng nếu một đơn vị cung ứng vải số lượng lớn nhưng giao hàng nhanh hơn thời gian dự kiến, thì các thương hiệu cũng nên cân nhắc rằng liệu đơn vị cung ứng vải đã phải giản lược bớt công đoạn nào để giao hàng trước thời hạn dự kiến. Và liệu sự giản lược này đã có làm ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm hay không.
Những yếu tố đánh giá khác cũng cần cân nhắc bao gồm mức độ uy tín của đơn vị cung ứng chất liệu, cũng như hậu mãi mà họ dành cho doanh nghiệp mua vải.
Hiểu về quy trình QA và QC trong ngành cung ứng chất liệu
Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến quá trình kiểm định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: quality assurance (QA) và quality control (QC). Trong ngành cung ứng chất liệu vải, QA là để đảm bảo sản phẩm đạt được chất lượng tuyệt đối, ngay từ khâu cung ứng nguồn nguyên liệu thô, cho đến khi nguyên liệu vải được sản xuất hoàn thiện. Các đơn vị cung ứng luôn phải làm QA kỹ lưỡng để đảm bảo rằng yêu cầu của khách hàng khi đặt mua nguyên liệu sản xuất sẽ được đảm bảo hoàn toàn.
Trong khi đó, QC là giai đoạn sau khi vải được sản xuất thành phẩm và đã sẵn sàng để thương mại. Quá trình QC còn góp phần làm giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp thời trang. Nếu doanh nghiệp làm việc với các đơn vị cung ứng chuyên nghiệp, việc định mức tạo ra sản phẩm trên từng m2 vải sẽ có thể được tính toán kỹ lưỡng, góp phần làm giảm chi phí sản xuất sản phẩm của thương hiệu thời trang.
Các doanh nghiệp kinh doanh thời trang cũng cần phải lưu tâm rằng chỉ có những đơn vị cung ứng vải chuyên nghiệp mới có khả năng bảo quản được nguyên liệu may mặc được tốt nhất. Bởi tuy vải không phải là sản phẩm có hạn sử dụng rõ ràng, nhưng trong những điều kiện bảo quản không đúng quy trình, thiếu chuyên nghiệp, sẽ góp phần làm chất lượng của vải bị ảnh hưởng trầm trọng, gây ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm may mặc khi được bán ra trên thị trường.
“Nguyên liệu sản xuất đóng góp 50% giá trị và chất lượng của sản phẩm thời trang. Các thương hiệu hay các nhà thiết kế không nên lựa chọn vải theo tiêu chí mẫu mã, giá cả hay sở thích đơn thuần không thôi, vì đó không phải là những tiền đề vững chắc giúp đảm bảo chất lượng của sản phẩm hay tạo nên giá trị thương hiệu về lâu dài.” – Chia sẻ của chị Quế Lâm – CEO Davonne Textile
Khó khăn trong việc phổ cập rộng rãi kiến thức bảo quản và nhận biết về chất liệu may mặc trong ngành thời trang
Có một thực tế rằng thương hiệu nào cũng có thể thiết kế, nghiên cứu thị trường, sản xuất ra sản phẩm may mặc đáp ứng nhu cầu mặc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều tạo nên dấu ấn thương hiệu và tác động rất lớn đến hành vi tiêu dùng của khách hàng lại đến từ chất lượng của nguyên liệu may mặc.
Tại Việt Nam, kiến thức về chất liệu may mặc không được đào tạo chính quy ở các trường đại học dạy thiết kế thời trang, mà lại giảng dạy ở các trường kỹ thuật chính thống như trường Đại học Bách Khoa, trường Công Nghiệp. Hơn nữa, các tài liệu giảng dạy có phần cũ, không được cập nhật theo xu thế phát triển của ngành nguyên liệu sản xuất trên thế giới, cũng góp phần khiến cho tình trạng này càng trở nên khó để giải quyết triệt để. Có thể nói, kiến thức về chất liệu may mặc được cập nhật theo thời thế chỉ có thể được tìm thấy ở các nhà cung ứng chất liệu chính thống trên thị trường.
Nhìn nhận về vấn đề này, chị Thùy Trang chia sẻ: “Điều này cần nhận thức bởi chính các doanh nghiệp kinh doanh thời trang. khi họ đánh giá cao tầm quan trọng của chất liệu vải trong việc kinh doanh, tự giác họ sẽ có mưu cầu để bổ sung kiến thức thiếu hụt về nó. Hiển nhiên, các doanh nghiệp cần phải liên kết và hợp tác cùng các tổ chức giáo dục hay các đơn vị cung ứng chất liệu vải để được chia sẻ, tiếp nhận những kiến thức như thế. Một khi các doanh nghiệp sản xuất thời trang trở thành tiên phong và hình mẫu phát triển tốt trên thị trường, tự khắc sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác đi theo xu hướng, từ đó lan rộng hành vi này”.
Góc nhìn của chị Quế Lâm: “Các thương hiệu cần nên xây dựng một cộng đồng, không chỉ là một cộng đồng các doanh nghiệp muốn phát triển kiến thức của ngành chất liệu may mặc và nâng tầm việc kinh doanh của toàn ngành, mà còn là cộng đồng để điều hướng và kết nối với khách hàng của mình. Một khi doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng để người tiêu dùng Việt Nam hiểu thêm hơn về chất liệu, tự khắc hành vi tiêu dùng thời trang của họ cũng sẽ có sự cải thiện rõ ràng. Họ sẽ tin dùng những sản phẩm có chỉ số chất liệu hay chất lượng phù hợp với nhận thức của họ, thay vì chạy theo những món đồ đẹp mắt, giá rẻ thông thường”.
“Việc xây dựng hệ sinh thái trong ngành thời trang là rất cần thiết. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là cần phải có để phát triển. Nhưng việc cùng đề ra mục tiêu phát triển và hợp tác cùng nhau thì lại lợi hơn rất nhiều. Nếu là một phần của hệ sinh thái, sự kết nối và đầu tư vào các mối quan hệ của các doanh nghiệp sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.” – Chia sẻ của chị Quế Lâm – CEO Davonne Textile
Những tiêu chuẩn lựa chọn nguồn cung ứng chất liệu vải để sản xuất thành phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Là một công ty may mặc lớn, có sức ảnh hưởng trong ngành Dệt may Việt Nam, chị Thùy Trang đã có nhiều năm làm việc với các đối tác cung ứng nguyên liệu may mặc trong lẫn ngoài nước để có thể tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng quốc tế. Những tiêu chí chọn lựa chất liệu mà của Thùy Trang – trong vai trò là Phó phòng kế hoạch – xuất nhập khẩu của May Bình Minh như sau:
Đối với từng thị trường khác nhau, các thông số và tiêu chí sản phẩm may mặc ở nước sở tại sẽ có ít nhiều sự khác biệt, mà các đơn vị xuất khẩu may mặc như May Bình Minh phải nắm rõ. Bởi nếu sai những thông số và yêu cầu này thì các kiện hàng xuất khẩu sẽ bị gửi trả về. Từ việc hiểu và nghiên cứu rõ về thị trường xuất khẩu, May Bình Minh sẽ tìm kiếm những nguồn nguyên liệu đáp ứng được cho việc sản xuất và đảm bảo được các thông số yêu cầu đề ra.
Yêu cầu về đơn đặt hàng của các thị trường quốc tế cũng sẽ đòi hỏi đơn vị sản xuất cung ứng được chứng từ và giấy tờ định rõ những chỉ số chất lượng của chất liệu sản xuất, để làm căn cứ cho việc giao thương và pháp lý.
Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất, việc phải hợp tác với nhiều chuỗi cung ứng dường như là bắt buộc. Thường thì các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng nguyên liệu nào được các Hiệp hội Dệt May như Hiệp hội Dệt May Vitas, hay Hiệp hội Dệt May Thêu Đan bảo chứng về chất lượng, thì đó sẽ là những đơn vị được tín nhiệm để các doanh nghiệp lớn như May Bình Minh hợp tác giao thương. Davonne là một trong những đơn vị cung ứng có được sự hậu thuẫn lẫn tín nhiệm của nhiều Hiệp hội Dệt May tại Việt Nam.
Từ công đoạn tìm kiếm nguồn cung ứng chất liệu vải, làm sao để tính được giá bán của sản phẩm may măc?
Đối với việc định giá sản phẩm may mặc, theo quan điểm và góc nhìn của chị Thùy Trang, thì giá bán = tổng giá sản xuất x 1.5. Giá sản xuất của hàng dệt may sẽ bao gồm rất nhiều bảng phí, và được tính toán rất kỹ lưỡng, như năng lực sản xuất của từng nhân công tính theo giờ, hay chi phí nguyên phụ liệu, hay là chi phí hoa hồng cho các bên… Để không bị hao phí tài nguyên sản xuất, việc tín nhiệm nguồn cung ứng có khả năng lập kế hoạch và lên chi tiết sơ đồ sản xuất cho sản phẩm sẽ giúp cho việc hao phí vải trong quá trình sản xuất hoàn toàn có thể giảm thiểu được, nhờ vậy mà chi phí sản xuất sẽ tiết kiệm hơn.
Chị Trang cũng lưu ý rằng, có rất nhiều cách để giảm bớt chi phí sản xuất ban đầu, nhưng dù lựa chọn phương cách nào, thì cũng không nên giản lược chi phí nguyên vật liệu sản xuất như vải, chỉ, hay phụ liệu. Bởi một sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, bền chắc mới là thứ tạo dựng nên giá trị thương hiệu và sự tín nhiệm của khách hàng. Các thương hiệu cần dành ít nhất 1-2 năm chỉ để sản xuất và thử nghiệm những mẫu mã chất liệu khác nhau để chinh phục được nhu cầu của khách hàng, trước khi quá chú trọng vào việc tiếp thị, quảng cáo và phủ sóng nhận diện thương hiệu.
“Các thương hiệu kinh doanh thời trang không nên quá ảo tưởng vào sức mạnh của tiếp thị để nâng giá sản phẩm mà bỏ qua những giá trị nền tảng nhất của việc kinh doanh là chú trọng vào sản phẩm.” – Chia sẻ của chị Thùy Trang – Phó phòng kế hoạch – xuất nhập khẩu của May Bình Minh
Bên cạnh đó, chị Trang cũng có kinh nghiệm chia sẻ tới những người tham dự của SR Business Talk rằng một mẫu thiết kế không nên chỉ tín nhiệm và giao cho một phân xưởng sản xuất, mà cần phải bổ sung nhiều mối quan hệ, kết nối với nhiều đơn vị sản xuất khác nhau để có được sự so sánh về giá thành sản xuất tốt nhất. Đồng thời cùng tránh được những rủi ro chậm trễ tiến độ sản xuất – vốn sẽ là thứ ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng lẫn tiếp thị của thương hiệu.
SR Fashion Business Talk Ep.16: Fabric Sourcing In Fashion Industry tạm khép lại. Cám ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cám ơn Davonne Textile cùng C Space đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!
Bên cạnh đó, chị Trang cũng có kinh nghiệm chia sẻ tới những người tham dự của SR Business Talk rằng một mẫu thiết kế không nên chỉ tín nhiệm và giao cho một phân xưởng sản xuất, mà cần phải bổ sung nhiều mối quan hệ, kết nối với nhiều đơn vị sản xuất khác nhau để có được sự so sánh về giá thành sản xuất tốt nhất. Đồng thời cùng tránh được những rủi ro chậm trễ tiến độ sản xuất – vốn sẽ là thứ ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng lẫn tiếp thị của thương hiệu.
SR Fashion Business Talk Ep.16: Fabric Sourcing In Fashion Industry tạm khép lại. Cám ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cám ơn Davonne Textile cùng C Space đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!